Các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh, tương đương với 9,35 Uscents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VNĐ/USD.
Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã khẳng định tầm quan trọng của các nguồn năng lượng sạch trong việc đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với môi trường; Theo đó, đến năm 2020 Việt Nam sẽ khai thác được khoảng 850MW điện mặt trời và nâng lên 4.000MW vào năm 2025, khoảng 12.000MW vào năm 2030.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có chủ trương và triển khai thực hiện định hướng nghiên cứu phát triển điện mặt trời, nhằm bổ sung nguồn điện xanh, sạch cho đất nước. Theo đó, EVN sẽ tập trung nghiên cứu phát triển một số dự án nhà máy điện mặt trời tại các địa phương có tiềm năng thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam Bộ. Trước mắt, EVN sẽ triển khai nghiên cứu phát triển 2 dự án điện mặt trời, một dự án trên đất liền tại Thủy điện Trị An (tỉnh Đồng Nai) và một dự án nổi trên mặt nước tại hồ Thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận). Ngoài ra, EVN cũng đề xuất với tỉnh Ninh Thuận về việc đầu tư Dự án NLMT với công suất 200 MW, trên diện tích 400 ha tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, khởi công trong năm 2018 và đến năm 2019 sẽ đi vào hoạt động.
|
Theo TS. Nguyễn Huy Hoạch - Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở nước ta dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/m2 chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng khoảng 43,9 tỷ TOE.
Để đạt được các mục tiêu đẩy mạnh khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời, ngày 11/ 4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Thực hiện Quyết định số 11, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết các quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Ngày 12/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT, hướng dẫn chi tiết các quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Theo đó, các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh, tương đương với 9,35 Uscents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VNĐ/USD. Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30/6/ 2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm. Các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá trên. Bên cạnh đó, dự án điện mặt trời còn được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... theo quy định hiện hành.
Không có nhận xét nào